Xác định ranh giới lưu vực góp phần thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đảm bảo tính công bằng – khách quan – minh bạch

Theo phụ lục IV Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ) Nội dung Xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng

Hình 1: Vị trí một số điểm thu nước trên hệ thống ảnh vệ tinh

I. QUY ĐỊNH VỀ BẢN ĐỒ LƯU VỰC

  1. Hệ quy chiếu bản đồ lưu vực theo tiêu chuẩn Việt Nam VN2000.
  2. Tỷ lệ bản đồ áp dụng theo quy mô diện tích lưu vực như sau:

a) Lưu vực có diện tích dưới 10.000 ha: tỷ lệ bản đồ 1/10.000 hoặc 1/5.000.

b) Lưu vực có diện tích từ 10.000 ha đến 100.000 ha: tỷ lệ bản đồ 1/25.000.

c) Lưu vực có diện tích từ trên 100.000 ha đến 500.000 ha: tỷ lệ bản đồ 1/50.000.

d) Lưu vực có diện tích lớn hơn 500.000 ha: tỷ lệ bản đồ 1/100.000.

II. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH LƯU VỰC

  1. Xác định lưu vực gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng về phạm vi diện tích rừng cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng như cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch, sản xuất công nghiệp.
  2. Việc xác định lưu vực phải đảm bảo tí nh khách quan, khoa học và công khai, minh bạch.
  3. Đối với dòng sông, suối có lưu vực nằm trên lãnh thổ Việt Nam và quốc gia khác, thì chỉ xác định phần diện tích trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

III. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH LƯU VỰC

1. Xác định lưu vực bằng bản đồ địa hình như sau:

a) Hiển thị trên màn hình máy tính bản đồ địa hình có tỷ lệ phù hợp với diện tích của lưu vực bằng các phần mềm chuyên dụng;

b) Thể hiện tọa độ điểm đầu ra của lưu vực trên bản đồ địa hình;

c) Khoanh vẽ ranh giới lưu vực bắt đầu từ điểm đầu ra dọc theo đường phân thủy theo hướng vuông góc với đường đồng mức cho đến khi trở lại điểm đầu ra của lưu vực thành một đường khép kín. Trường hợp một phần diện tích lưu vực nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam thì khoanh vẽ ranh giới về cả hai phía của điểm đầu ra cho đến khi gặp biên giới quốc gia.

2. Xác định lưu vực bằng mô hình số hóa độ cao như sau:

a) Kiểm tra và hiệu chỉnh mô hình số hóa độ cao để đảm bảo độ chính xác và hệ quy chiếu phù hợp với quy định tại Mục I của Phụ lục này;

b) Hiển thị tọa độ điểm đầu ra của lưu vực trên mô hình số hóa độ cao;

c) Xác định ranh giới lưu vực bằng các chức năng chuyên dụng trong phần mềm GIS.

3. Xác định diện tích và các đặc trưng cơ bản khác của lưu vực.

Hình 2: Ranh giới lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình trên ảnh vệ tinh

IV. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DIỆN TÍCH RỪNG TRONG LƯU VỰC

  1. Bản đồ dùng để xác định diện tích rừng trong lưu vực là bản đồ số có độ chính xác và hệ quy chiếu phù hợp với quy định tại Mục I của Phụ lục này, bao gồm các lớp dữ liệu tối thiểu: ranh giới lưu vực; địa giới hành chính các cấp; hiện trạng rừng.
  2. Chồng xếp các lớp bản đồ quy định tại khoản 1 Mục IV của Phụ lục này, truy xuất và thống kê diện tích rừng theo đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh) và phân theo nguồn gốc rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng).
  3. Trường hợp diện tích rừng của một tỉnh trong lưu vực nằm trên địa bàn nhiều tỉnh hoặc của một huyện trong lưu vực nằm trên địa bàn nhiều huyện trong một tỉnh có thay đổi trên 10% so với diện tích đã công bố thì tiến hành xác định lại diện tích rừng trong lưu vực.

Hình 3: Hiện trạng rừng lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh có trách nhiệm xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nằm trong địa giới hành chính của địa phương, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
  2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam có trách nhiệm xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
  3. Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí quản lý tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các cấp.

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký để nhận các thông tin cập nhật mới nhất về các sản phẩm của chúng tôi