Mùa vụ trồng rừng giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, tác động trực tiếp đến năng suất và chất lượng rừng trồng. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp đúng mùa vụ sẽ hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai và sâu bệnh đối với cây trồng, tăng tỷ lệ thành rừng; tiết kiệm được vật tư, nhân lực để nâng cao hiệu quả sản xuất. Để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, theo dõi trồng rừng toàn quốc và giúp thực hiện trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng,...đúng mùa vụ; chủ động các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh hại.
Bộ cơ sở dữ liệu mùa trồng rừng được xây dựng lần đầu tiên vào năm 2013 do Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước về kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 làm chủ đầu tư. Đến năm. Lần cập nhật lần đầu tiên của hệ thống là năm 2017 cũng do Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước về kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 làm chủ đầu tư.
Đến năm 2021 với sự tài trợ của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), phối hợp cùng Tổng cục Lâm nghiệp và Trường đại học Lâm nghiệp hệ thống đã được xây dựng lại trên một nền tảng mới. Với mục tiêu hỗ trợ thực hiện quản lý của ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp, vận hành đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) phù hợp với chủ trương Chính phủ điện tử và xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, sản xuất.
Giới thiệu về Hệ thống CSDL Mùa vụ trồng rừng
Hệ thống CSDL Mùa vụ trồng rừng là một thành phần trong Hệ thống thông tin quản lý Ngành Lâm nghiệp do Cục lâm nghiệp quản lý vận hành. Hệ thống quản lý thông tin về mùa vụ trồng rừng theo các tháng trong năm trên phạm vi toàn quốc. Các thông tin chính trên hệ thống bao gồm mùa vụ trồng rừng theo tháng, các loài cây trồng, tài liệu kỹ thuật khuyến cáo, các thông tin chỉ đạo điều hành liên quan đến hoạt động trồng, chăm sóc, phát triển rừng.
Hệ thống hiện tại đang được duy trì vận hành tại địa chỉ: https://muavu.vnforest.gov.vn/.
Các chức năng chính
Chức năng bản đồ mùa vụ trực tuyến: cấp các thông tin về thông tin dữ liệu mùa trồng rừng theo ranh giới hành chính, loài cây, loại rừng trong tất cả các tháng trong năm.
Hình 1: Giao diện bản đồ của phần mềm
Bên cạnh số liệu bản đồ toàn bộ dữ liệu hiện trạng về tình hình mùa trồng trên toàn quốc cũng được thể hiện trực quan trong giao diện thống kê.
Hình 2:Giao diện thống kê
Các thông tin chỉ đạo mới của Cục Lâm nghiệp được cập nhật liên tục trên phần mềm thông qua mục chỉ đạo điều hành. Các thông tin cũng được liên kết đến các ứng dụng di động thông qua nền tảng chia sẻ dữ liệu được cung cấp qua các dịch vụ của hệ thống.
Hình 3: Mục thông tin chỉ đạo điều hành
Ngoài ra Hệ thống cơ sở dữ liệu còn cung cấp các thông tin về tin tức của các địa phương, danh mục các loài cây trồng, tài liệu kỹ thuật khuyến cáo, các văn bản pháp lý… để cung cấp thêm thông tin cho người sử dụng.
Với cơ chế phân quyền quản trị đến cấp tỉnh, hệ thống cho phép các địa phương hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát cập nhật dữ liệu về mùa vụ trồng để phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Hình 4: Trang quản trị hệ thống CSDL mùa vụ trồng rừng.
Các kết quả mang lại trong quá trình triển khai vận hành hệ thống.
Hệ thống được xây dựng theo cơ chế phân quyền, thông qua hệ thống tài khoản cho từng cấp đơn vị. Dữ liệu của hệ thống CSDL mùa vụ trồng rừng luôn đảm bảo tỉnh xuyên suốt đồng nhất từ dữ liệu quản lý tại địa phương, dữ liệu quản lý tại Cục Lâm nghiệp đến dữ liệu cung cấp ra từ hệ thống thông qua các dịch vụ bản đồ, số liệu thống kê. Đảm bảo các yêu cầu đề ra về tính đồng bộ, xuyên suốt của dữ liệu theo các tiêu chuẩn được quy định, đảm bảo tính sẵn sàng tương thích với Hệ thống chia sẻ dữ liệu của Bộ NN&PTNT.
Với các nền tảng công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển các Hệ thống theo hướng dịch vụ, dữ liệu mùa vụ trồng rừng của hệ thống đã được phát triển các dịch vụ để các ứng dụng bên thứ 3 như Ứng dụng Forestry 4.0 có thể truy cập khai thác dữ liệu. Từ đó, việc tiếp cận thông tin của người dân đến hệ thống có thể dễ dàng được thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước.