Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Xuân Mai Green | XMG


10:08:19
07-06-2024

NHIỆM VỤ XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP ĐO ĐẾM VÀ TÍNH TOÁN TRỮ LƯỢNG CÁC-BON RỪNG NGẬP MẶN TẠI 28 TỈNH VEN BIỂN VIỆT NAM

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, Việt Nam được xác định có trên 160.000 ha rừng ngập mặn, phân bố trên địa phận 28 tỉnh/Thành phố và tập trung chủ yếu tại các vùng: Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ. Các tỉnh ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với đặc điểm bãi bồi ven biển hẹp nên mặc dù có rừng ngập mặn nhưng diện tích không đáng kể.

Ngày 04/10/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 với một trong những nhiệm vụ ưu tiên là “Tổ chức theo dõi, giám sát, cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng vùng ven biển”. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này Cục Lâm nghiệp đã huy động sự tham gia, hỗ trợ của các chương trình, đề án có liên quan để hoàn thiện phương pháp và tiến hành đo đếm, đánh giá lượng các-bon rừng ngập mặn tại 28 tỉnh ven biển của Việt Nam.

Được sự tài trợ của Dự án thực hiện cam kết Khí hậu: Từ cam kết đến hành động thực hiện tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương (Thông qua UNDP), trên cơ sở kế thừa phương pháp giám sát phục hồi rừng ngập mặn do dự án GCF xây dựng kết hợp với việc đo đếm thí điểm, kiểm chứng tại 6 tỉnh đại diện cho 6 vùng sinh thái có rừng ngập mặn của Việt Nam (Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau), Viện Sinh thái rừng và Môi trường xây dựng phương pháp đo đếm và tính toán trữ lượng các bon rừng ngập mặn tại Việt Nam.

 

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH ĐÃ THỰC HIỆN

Để xây dựng phương pháp đo đếm, tính toán trữ lượng các bon rừng ngập mặn tại Việt Nam, các hoạt động chính đã thực hiện:

- Nghiên cứu, kế thừa có chọn lọc phương pháp đo đếm, tính toán trữ lượng các bon rừng ngập mặn trong báo cáo “Hướng dẫn giám sát phục hồi rừng ngập mặn” do Dự án GCF xây dựng.

- Nghiên cứu và tập hợp các phương trình xác định sinh khối cho loài cây, nhóm loài cây rừng ngập mặn chính tại Việt Nam từ các công trình nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam

- Thu thập số liệu hiện trường để kiểm chứng, lựa chọn phương trình xác định sinh khối phù hợp cho loài cây, nhóm loài cây rừng ngập mặn tại Việt Nam

- Tính toán thí điểm, xác định lượng các bon tại một số ô mẫu rừng ngập mặn ở 6 tỉnh/TP thí điểm đại diện cho các vùng sinh thái.

 

 

(a) Đước

(b) Dừa nước (Nypa fruticans)

(c) Bần chua (Sonneratia caseolaris)

(d) Lấy mẫu đất

(e) Giải tích thân cây và lấy mẫu hiện trường

(f) Sấy, phân tích mẫu trong phòng

Một số hình ảnh minh họa quá trình thực hiện

 

Hội đồng thẩm định dự thảo phương pháp đo đếm và tính toán trữ lượng các bon rừng ngập mặn tại Việt Nam  tại Cục Lâm nghiệp tháng 12/2023

CÁC KẾT QUẢ CHÍNH ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

(1) Đã xác định được phương trình đo đếm tính toán các bon riêng cho 38 loài rừng ngập mặn cây gỗ; 03 loài dạng cây bụi và 01 loài cây ngập mặn dạng cau dừa;

(2) Đề xuất phương pháp đo đếm và tính toán trữ lượng các-bon cho một khu rừng ngập mặn bất kỳ gồm các bước:

Bước 1: Xác định ranh giới, diện tích và trạng thái của khu vực rừng ngập mặn cần đo đếm, tính toán trữ lượng các bon

-  Xác định ranh giới, diện tích của khu vực rừng ngập mặn cần đo đếm, tính toán trữ lượng các bon

- Xác định trạng thái và phân tầng khu vực rừng ngập mặn cần đo đếm, tính toán trữ lượng các bon.

Bước 2: Xác định các bể các bon cần đo đếm, tính toán trữ lượng

Bước 3: Phương pháp thiết kế, thu thập số liệu trên các ô mẫu

Bước 4: Phương pháp xử lý số liệu xác định sinh khối, lượng các bon tại vị trí ô mẫu

- Phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm

- Nhập số liệu ô mẫu và kiểm tra chéo số liệu nhập vào

- Phương pháp tính toán sinh khối/trữ lượng các bon trên mặt đất

- Phương pháp tính toán sinh khối/lượng các bon của phần gốc, rễ cây dưới mặt đất

- Phương pháp tính toán lượng các bon hữu cơ trong đất

- Phương pháp tính toán lượng các bon trên ha tại vị trí ô mẫu

Bước 5: Xác định lượng các bon bình quân trên ha theo trạng thái rừng

Bước 6: Xác định lượng các bon theo đơn vị hành chính, đơn vị quản lý rừng

- Xây dựng bản đồ trữ lượng các bon rừng ngập mặn khu vực nghiên cứu

- Thống kê trữ lượng các bon theo đơn vị hành chính, đơn vị quản lý rừng

Bước 7: Phương pháp xác định biến động sinh khối, lượng các bon

Bước 8: Xây dựng báo cáo và quản lý số liệu.

Phương pháp đo đếm, tính toán và giám sát trữ lượng cacbon rừng ngập mặn tại Việt Nam cơ sở để xây dựng và ban hành “Hướng dẫn kỹ thuật đo đếm, tính toán cacbon rừng ngập mặn, áp dụng trên phạm vi 28 tỉnh, thành ven biển Việt Nam” phục vụ đo đếm, tính toán trữ lượng các bon cho khoảng 160.000 ha rừng ngập mặn tại 28 tỉnh ven biển Việt Nam.