Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Xuân Mai Green | XMG
Thứ 2 - Thứ 6: 07:30 - 17:00, Thứ 7: 08:00 - 11:30
ĐỀ ÁN DU LỊCH SINH THÁI, NGHỈ DƯỠNG, GIẢI TRÍ TRONG RỪNG PHÒNG HỘ HUYỆN KIM SƠN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Hệ thống rừng phòng hộ ven biển Kim Sơn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, chống xâm nhập mặn…được ví như “lá chắn xanh” của khu vực ven biển Ninh Bình. Nơi đây còn là hòn ngọc xanh của cả tỉnh, là khu vực phát triển kinh tế biển, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân địa phương góp phần không nhỏ vào an sinh xã hội, ổn định dân cư và đảm bảo quốc phòng an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội.
Với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học (ĐDSH), cảnh quan tự nhiên và giá trị của rừng ngập mặn; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng 6 cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương; Tạo cơ sở pháp lý tìm kiếm đầu tư của nhà nước, các tổ chức, cá nhân để phát triển DLST, tuân thủ các quy định của pháp luật về phát triển DLST, nghỉ dưỡng giải trí và thuê môi trường rừng kết hợp với quản lý bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), bảo tồn ĐDSH và phòng chống thiên tai. Trước những đòi hỏi khách quan và cấp thiết từ thực tiễn, Ban quản lý RPH huyện Kim Sơn đã Hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ huyện Kim Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đơn vị tư vấn đã phối hợp với các bên liên quan ở địa phương tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá tiềm năng du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa cho phát triển DLST; hiện trạng DLST và các yếu tố tác động đến phát triển DLST tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn làm cơ sở xây dựng Đề án. Sau khi xây dựng Báo cáo Dự thảo Đề án, Đơn vị tư vấn đã phối hợp với UBND huyện Kim Sơn tiến hành tổ chức Hội thảo tham vấn về các nội dung của Đề án với các bên liên quan. Sau khi chỉnh sửa và hoàn thiện đề án Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn đã trình Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét thẩm định và trình UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Đề án.
|
|
Hình 01. Khảo sát và Hội nghị tham vấn các bên liên quan về nội dung của Đề án
Ngày 05/7/2024 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 472/QĐ-UBND về vieecj phê duyệt Đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ huyện Kim Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một số nội dung chính của Đề án như sau:
1. Mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển
1.1. Mục tiêu
- Đánh giá đầy đủ nguồn lực làm cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng ven biển về cảnh quan tự nhiên, môi trường và sự đa dạng về tàinguyên thiên nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn, các di tích lịch sử văn hóa. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ trên nguyên tắc đảm bảo hài hoà các mục tiêu bảo tồn, phát triển kinh tế rừng bền vững, không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
- Thông qua phát triển du lịch sinh thái góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân, du khách, các đối tượng tham gia hoạt động du lịch các giá trị về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của khu vực, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
- Làm cơ sở để lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ huyện Kim Sơn, thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của các nhà đầu tư nhằm tạo nguồn lực cho xây dựng và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ huyện Kim Sơn. Kết nối các khu vực phát triển du lịch, du lịch sinh thái trong huyện Kim Sơn và tỉnh Ninh Bình đặc biệt là khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi.
1.2. Các chỉ tiêu phát triển
1.2.1. Chỉ tiêu đến năm 2025
- Từ năm 2024 đến 2025, bước đầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đồng thời thu hút khoảng 5.000 lượt khách/năm đến tham quan nghiên cứu, du lịch sinh thái, trải nghiệm tại khu vực rừng phòng hộ huyện Kim Sơn.
- Phấn đấu thu hút đầu tư 02 dự án phát triển du lịch sinh thái và tạo việc làm cho trên 100 lao động liên quan trong lĩnh vực du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ.
- Bước đầu xây dựng cơ bản một số cơ sở hạ tầng cần thiết như: Nhà quản lý điều hành, nhà hàng, trạm dừng chân... thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu du lịch cuối tuần, ngắn ngày và dài ngày.
1.2.2. Chỉ tiêu giai đoạn 2026-2030
- Phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và tiếp tục khai thác có hiệu quả tất cả các sản phẩm du lịch nêu trong Đề án, ưu tiên các loại hình khám phá thiên nhiên, nghiên cứu, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, giải trí... Số lượng du khách đến rừng phòng hộ huyện Kim Sơn phấn đấu đạt khoảng 10.000 lượt/năm và doanh thu từ du lịch đạt trung bình 5 - 10 tỷ đồng/năm.
- Tiếp tục thu hút đầu tư trên cơ sở các dự án đầu tư của Đề án, xây dựng phát triển du lịch sinh thái, tạo việc làm cho trên 300 lao động liên quan trong lĩnh vực du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ.
2. Phạm vi: Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ huyện Kim Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng trên diện tích rừng và đất rừng 1.343,28 ha.
3. Các điểm, tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
- Định hướng đến năm 2030, Ban quản lý rừng phòng hộ Kim Sơn có 10 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ưu tiên phát triển, bao gồm:
+ Điểm số 1. Khu quản lý, đón tiếp du khách: Quy mô: 63,33 ha là điểm đầu để đón tiếp khách từ phía Đông của rừng phòng hộ liền kề đê Bình Minh III thuộc khoảnh 8, tiểu khu 14699. Định hướng loại hình du lịch chính: Cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái; khám phá thiên nhiên; nghỉ dưỡng; ẩm thực; nghiên cứu khoa học.
+ Điểm số 2. Khu tham quan rừng Bần độc đáo: Khu vực giữa đê Bình Minh III và trong đê Bình Minh IV, thuộc khoảnh 8, tiểu khu 14699; Quy mô: 117,99 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; trải nghiệm gắn với hệ sinh thái rừng Bần chua độc đáo; nghỉ dưỡng, giải trí; trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp; dịch vụ tham quan.
+ Điểm số 3. Khu nuôi trồng và bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn: Thuộc khu rừng phòng hộ liền kề Đê Bình Minh III, thuộc khoảnh 7, tiểu khu 14699; Quy mô: 63,72 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; nghỉ dưỡng, giải trí; trải nghiệm trồng rừng, chèo thuyền.
+ Điểm số 4. Khu nhà hàng ven rừng và Bungalow nghỉ dưỡng: Liền kề với với đê Bình Minh III, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 14699; Quy mô: 50,03 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; nghỉ dưỡng, giải trí; ẩm thực.
+ Điểm số 05. Khu trải nghiệm thực hành các nghề truyền thống: Được bố trí liền kề với với đê Bình Minh III, khoảnh 3, tiểu khu 14699; Quy mô: 57,96 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; trải nghiệm thực hành các nghề truyền thống; ẩm thực.
+ Điểm số 6. Khu nghỉ dưỡng tắm rừng kết hợp trị liệu, chữa bệnh: Ở phía trong đê Bình Minh III, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 14699; Quy mô: 51,02 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; nghỉ dưỡng, kết hợp với dịch vụ trị liệu chăm sóc sức khỏe; ẩm thực.
+ Điểm số 7. Khu vực trải nghiệm chèo thuyền trên sông nước: Được bố trí phía ngoài đê Bình Minh III, khoảnh 3, tiểu khu 14699. Quy mô: 28,88 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; ẩm thực; vui chơi, giải trí.
+ Điểm số 8. Khu vực tổ chức các trò chơi giải trí trong rừng ngập mặn: Bố trí phía trong đê Bình Minh III, khoảnh 3, tiểu khu 14699; Quy mô: 28,91 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; ẩm thực; vui chơi, giải trí.
+ Điểm số 9. Khu vực trải nghiệm các hoạt động đánh bắt thủy hải sản dưới tán rừng: Được bố trí phía ngoài đê Bình Minh III, liền kề với điểm 7; Quy mô: 24,08 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; ẩm thực; vui chơi, giải trí.
+ Điểm số 10. Khu cà phê và gặp mặt giữa rừng ngập mặn: Được bố trí phía trong đê Bình Minh III, khoảnh 3, tiểu khu 14699; Quy mô: 20,21 ha. Định hướng loại hình du lịch chính: Khám phá thiên nhiên; ẩm thực; vui chơi, giải trí.
Hình 02. Cảnh quan thiên nhiên tại Kim Sơn có tiềm năng lớn cho phát triển DLST |
- Định hướng đến năm 2030, Ban quản lý rừng phòng hộ Kim Sơn có 03 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ưu tiên phát triển, bao gồm:
+ Tuyến 1: Chèo thuyền nhỏ trong rừng ngắm cảnh sắc rừng ngập mặn.
+ Tuyến 2: Tuyến đạp xe đạp ngắm bình minh.
+ Tuyến 3: Tham quan rừng ngập mặn bằng cầu nổi.
4. Các dự án ưu tiên
- Khu trung tâm quản lý, đón tiếp du khách
- Khu tham quan rừng Bần độc đáo
- Khu nhà hàng ven rừng và Bungalow nghỉ dưỡng
- Khu cà phê và gặp mặt giữa rừng
5. Thời gian, phương thức tổ chức thực hiện
- Thời gian: Từ năm 2024-2030.
- Phương thức tổ chức: Thực hiện theo các phương thức tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng phù hợp với Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt.
Số nhà 86, Tổ 3, Tân Mai, TT Xuân Mai, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội
024.6651.5880
xuanmaigreen@gmail.com
Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ Xuân Mai Green | XMG